Miền cổ tích
Xem ảnh
Đó - hẳn là nơi có bóng dáng của bà tiên, ông bụt, có tiếng nói cười của chú cuội, chị Hằng Nga. Ừ… thì đó phải là nơi ôm trọn tuổi thơ kỳ diệu, nơi nuôi dưỡng tâm hồn bé bỏng thơ ngây của ta. Để rồi một ngày kia khi xa nơi ấy, ta bồi hồi thấy khóe mắt cay cay khi miền cổ tích ấy bỗng ùa về.
Nằm chon von giữa cánh đồng lúa rì rào sóng lá – ấy là làng tôi. Một nơi thật bình dị, thật mộc mạc như bao làng quê đồng bằng Bắc bộ của đất nước hình chữ S này. Vậy mà giờ đây, khi đã xa nơi ấy, đã đi nhiều làng quê khác, tôi vẫn ko sao khỏa lấp được nỗi nhớ ngôi làng nghèo nàn, dung dị ấy.
Tuổi thơ tôi gắn liền với gốc cây duối cổ kính đầu làng, nơi mà những chiếc rễ già nua của cây duối nổi to trên mặt đất thành những chiếc ghế êm ru cõng cả tuổi thơ của lũ trẻ con làng tôi. Nơi đó chúng tôi ngồi hóng gió mỗi chiều, ê a hò hát những khúc đồng dao thân thuộc. Thân cây duối to bằng mấy người ôm, vì thế chúng tôi tha hồ chơi đuổi bắt, rồng rắn lên mây, rùi ú tim… tiếng cười vang cả 1 góc trời.
Làng tôi nhỏ lắm, chỉ có 1 lối đi giữa làng hai bên cỏ mọc xanh mát, điểm những bông hoa dại thoang thoảng đưa hương. Bờ rào hai bên cũng là những hàng râm bụt đỏ rực hoa, để mỗi buổi trưa hay chiều trốn ba mẹ là lại xà vào ngắt hoa, hút mật dâm bụt ngọt lịm. Tối về mẹ lại phải ngồi bắt cho những con mò đỏ hỏn, bé tí ti trong rốn, vừa bắt, vừa mắng…thế mà chả đứa nào chừa.
Miền cổ tích của tôi còn là những câu chuyện mẹ kể về những nàng tiên trên trời tha thướt với những bộ cánh áo xinh đẹp, hay những bà tiên, ông bụt trong Cây tre trăm đốt, (top9xy.wap.sh).Cô bé lọ lem, Nàng Bạch Tuyết bà bảy chú lùn… để rồi mỗi trưa trốn mẹ ra vườn nằm đu đưa võng tưởng tượng đến những phép nhiệm màu đâu đó sao mà gần gũi thế, và rồi tự ngồi biến hóa, tự nhe răng sún cười lí nhí một mình.
Hè đến, là mùa nước cạn. Lũ nhóc làng tôi thi nhau rồng rắn chạy ra sông bắt cá, mò trai, mò hến… Những trưa hè nắng như đổ lửa nhưng đứa nào cũng chậu, cũng xô leng keng xách ra ven sông, chỉ một loáng là cả bọn được phủ ngay lớp áo màu nâu nhem nhuốc. Có những hôm vài ba vị phụ huynh đi tìm con mà thấy ở ngoài sông thì thể nào cũng có đứa no đòn. Vậy mà cũng vẫn chứng nào tật ấy được ngay. Tôi và anh trai cũng có hôm xách được lưng xô cá tép lẫn lộn về nhà trong cái hình hài bùn đất không ai nhận ra nữa. Rồi ốm, rồi lại làm khổ mẹ chăm nom nhiều hơn. Vậy nhưng trong ý nghĩ của chúng tôi khi ấy thì chuyện “nhỏ nhặt” này chả đáng phải để tâm lắm, khỏe lại thì vẫn “trưa mai đứng ở cổng đợi tao đi với nha”.
Chiều hè lồng gió, các cụ trong làng lại cùng nhau ra ngồi trò chuyện, ăn trầu dưới bóng mát của lũy tre xanh rì rào cuối làng, kể nhau nghe những câu chuyện làng xóm, rủ nhau đi lễ chùa, cầu kinh… Một không gian khoáng đạt và yên ả biết nhường nào.!
Gần 10 năm xa quê, giờ mỗi khi trở lại vẫn thấy mọi thứ thân quen, gần gũi đến lạ, một cảm giác ko thể thay thế được. Làng quê tôi giờ đã có chút đổi khác, các bà tóc trắng nay người còn người mất, các mẹ cũng đã già đi nhiều, làn da sạm nắng nhăn lại nhiều nếp hơn, mái tóc cũng đã ngả màu mây. Ừ thì chúng tôi – những đứa trẻ của ngày xưa, nay cũng đã trưởng thành cả rồi, mỗi đứa đi một con đường riêng. Nhưng tôi dám chắc, miền cổ tích luôn canh cánh bên lòng mỗi “đứa trẻ” xa quê.
Cảm xúc Quê hương: